Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều 23-12, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão
Đây là cơn bão số 10 năm 2024, có tên quốc tế là Pabuk.
Dự báo đến 16 giờ ngày 24-12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,3 độ vĩ Bắc; 111,1 độ kinh Đông; trên vùng biển phía Tây Nam khu vực giữa biển Đông, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 5-10 km/giờ.
Đến 16 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 10,8 độ vĩ Bắc; 109,5 độ kinh Đông; trên vùng biển từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 5-10 km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục di chuyển đến vùng biển từ Bình Thuận đến Trà Vinh.
Do ảnh hưởng của bão số 10, đêm 23 và ngày 24-12, khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Theo cơ quan khí tượng, từ đêm 23 đến ngày 25-12, ở khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến từ 60-150 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/6 giờ). Khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và miền Đông Tây Nguyên có mưa vừa và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa to.
Cảnh báo đêm 25-12, ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to.
Từ ngày 26-12, mưa lớn có khả năng giảm dần. Trong khi đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 24-12-2024 đến ngày 2-1-2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ngày nắng, trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại; vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện đề nghị các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; căn cứ tình hình cụ thể, quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Hai tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận dự kiến là nơi bão số 10 ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn. Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Thuận, cho biết địa phương đang theo dõi chặt chẽ cơn bão.
Đồng thời kiểm tra, rà soát, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến cảng, khu neo đậu, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tại Ninh Thuận, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra…
Ngày 23-12, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với bão số 10 khi nguy cơ Khánh Hòa sẽ xuất hiện đợt lũ mới. Từ đêm 23 đến đêm 25-12, khu vực tỉnh Khánh Hòa chịu ảnh hưởng cơn bão số 10 có mưa vừa, mưa to.
Trên các sông ở tỉnh Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ lớn nhất trên sông Dinh – Ninh Hòa và sông Cái – Nha Trang ở trên dưới mức báo động 1. Trên các sông suối nhỏ như: Hiền Lương, Đồng Điền, Tà Rục… xuất hiện một đợt lũ vừa. Do đó, cần đề phòng ngập úng do mưa ở các vùng trũng thấp, trong đô thị, mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các xã vùng núi, khu vực xung yếu, đặc biệt tại TP Nha Trang, TP Cam Ranh, huyện Cam Lâm, 2 đèo Cù Hin và Khánh Lê trong những ngày tới.
Đèo Khánh Lê nằm trên Quốc lộ 27C nối Nha Trang – Đà Lạt sau vụ sạt lở nghiêm trọng đến nay đã thông xe sau gần 7 ngày khắc phục.
Tuy nhiên, với ảnh hưởng thời tiết như hiện nay, nguy cơ tiếp tục sạt lở gây mất an toàn cho người tham gia giao thông là rất lớn. Hiện nay, lực lượng chức năng quyết định đóng đường ngăn xe từ 17 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau ở đoạn qua đèo Khánh Lê.